Trung Quốc đột phá trong phát triển điện hạt nhân
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng lò phản ứng thí nghiệm neutron nhanh đầu tiên của nước này, qua đó sẽ hỗ trợ sử dụng năng lượng hạt nhân hiệu quả hơn.
|
Một nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc. (Nguồn: asianews.it)
|
Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CIAE) cho biết lò phản ứng này ngày 31/10 đã vượt qua các kiểm nghiệm chính thức đầu tiên sau 20 năm được giới khoa học nước này nghiên cứu phát triển. Các chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với lò phản ứng trên.
Lò phản ứng thử nghiệm này được coi là bước đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc gồm ba bước: từ lò phản ứng nước chịu áp lực, lò phản ứng neutron nhanh, tới lò phản ứng nhiệt hạch.
Theo CIAE, tiến bộ trên sẽ đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu các lò phản ứng nhanh phát điện thí nghiệm. Lò phản ứng này là một mô hình quan trọng của nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư và sẽ đóng vai trò định hướng cho sự phát triển của các nhà máy điện hạt nhân kiểu này.
Một lò phản ứng nhanh có thể giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân thông qua tăng tỷ lệ sử dụng urani lên 60% từ tỷ lệ vẻn vẹn 1% của lò phản ứng nước chịu áp lực theo truyền thống. Công nghệ lò phản ứng nhanh cũng giảm tối thiểu thải phóng xạ và tăng mức độ an toàn cho hệ thống năng lượng hạt nhân.
Ra đời năm 1992, chương trình lò phản ứng nhanh của Trung Quốc được đồng tổ chức bởi MOST, Cục Công nghiệp, Công nghệ và Khoa học quốc phòng quốc gia và Tập đoàn Hạt nhân quốc gia, trong khi CIAE tiến hành chương trình với sự hợp tác của hàng trăm trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 26/10, Trung Quốc thông báo sẵn sàng thông qua những dự án điện hạt nhân mới. Tháng Ba năm ngoái, sau sự cố điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, Bắc Kinh đã quyết định tạm ngừng thông qua những dự án điện hạt nhân mới.
Theo Tân Hoa xã, sau một năm rưỡi, quyết định mới nhất của Quốc vụ viện Trung Quốc (Chính phủ) dỡ bỏ tình trạng tạm ngừng nói trên cho thấy những lo ngại về nguy cơ tiềm tàng đã nhường chỗ cho những nỗ lực tối ưu hóa cơ cấu năng lượng nước này trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng cao.
Tác giả: Theo: TTXVN ;
xuất bản: 02/11/2012 01:50