Tin ngành điện

Tổng công ty Điện lực miền Bắc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2016: Sẵn sàng các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả

Mùa mưa bão năm 2016 được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn trong mùa mưa bão cũng là nhiệm vụ quan trọng được ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nói riêng đặt lên hàng đầu.

Với việc vận hành, kinh doanh lưới điện từ 110 kV đến 0,4 kV trải rộng khắp các tỉnh miền Bắc và 01 trạm Biến áp 220 kV; 7.799,32 km đường dây 110kV với 206 trạm biến áp và chiều dài đường dây trung thế khoảng 57.458,34 km với 221 trạm biến áptrung gian. Vậy giải pháp nào hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện? EVNNPC đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ những giải pháp trong tất cả các khâu có liên quan trong vận hành hệ thống điện, cụ thể:

Đối với Tổng công ty:

- Đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và lực lượng xung kích từ Tổng công ty đến các đơn vị, cơ sở trực thuộc. Lập kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cụ thể, chi tiết, sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị theo phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện tổng kiểm tra lưới điện nhằm phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết trên lưới điện trước mùa mưa, bão…

- Trong những ngày tới, tình hình mưa, lũ ở Bắc Bộ còn diễn biến phức tạp và khả năng cao xuất hiện thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tổng công ty cùng với ban chỉ huy PCTT&TKCN các đơn vị theo dõi sát tình hình thời tiết các vùng miền, thông báo ngay tình hình diễn biến của bão lũ, thiên tai và chỉ đạo các đơn vị kịp thời phòng chống để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do bão lũ, thiên tai gây ra.

Đối với các Công ty Điện lực:

- Tăng cường kiểm tra, phát quang hành lang tuyến; Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

- Khi xảy ra bão, lũ hoặc các hiện tượng bất thường của thời tiết đe dọa tình trạng vận hành an toàn hệ thống điện, các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng phải tổ chức trực 24/24h, chuẩn bị đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra; Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành.

- Các Công ty Điện lực phải phối hợp các doanh nghiệp viễn thông tập trung thực hiện bó gọn cáp, vừa tạo mỹ quan đô thị, vừa phòng tránh trường hợp dây điện có thể đứt, rơi trong mùa mưa bão. Các Công ty Điện lực phối hợp cùng với các cơ quan, chính quyền địa phương xử lý các trường hợp thi công công trình xâm phạm lưới điện, vi phạm hành lang lưới điện. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân, khách hàng sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão dưới nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

Đối với Công ty lưới điện cao thế miền Bắc:

- Chỉ đạo các chi nhánh rà soát các tuyến đường dây, thiết bị điện trên lưới, khắc phục, xử lý ngay các nguy cơ có thể dẫn đến cột điện bị nghiêng, ngã đổ trong mùa mưa bão. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nguy cơ các cây xanh, bảng quảng cáo… có khả năng ngã đổ vào đường dây, trạm biến áp gây chập điện, cháy nổ.

- Với các trạm biến áp, ngoài việc kiểm tra thiết bị, cập nhật thông số vận hành, các đơn vị phải chuẩn bị các túi che tụ điều khiển ngoài trời khi có mưa lớn; dây chằng buộc cánh cửa; khơi thông hệ thống cống rãnh quanh trạm, kiểm tra các vị trí đường dây tải điện xung yếu, các khoảng vượt sông lớn. đảm bảo  vận hành an toàn  trong mùa mưa bão.

Về phía người sử dụng điện:

- Không được xây dựng, lấn chiếm trái phép hành lang an toàn lưới điện cao áp; không đào xới, trồng cây gần các công trình điện. Những người không có nhiệm vụ không trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện; không sử dụng thiết bị điện không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện an toàn; không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; không dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước; các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng; vùng dân cư có nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.

Theo các chuyên gia an toàn về điện, khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện. Khi kiểm tra xem có điện hay không phải dùng bút thử điện để thử; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không bảo đảm an toàn, nên báo ngay cho điện lực nơi sở tại. Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.

TAGS:
Tác giả: Theo EVNNPC ; xuất bản: 11/07/2016 07:23
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét
  • Tổ Xung kích số 2 tham gia hỗ trợ thi công ĐZ 500kV mạch 3

  • Đội xung kích PC Hải Dương hỗ trợ Vị trí 66 tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định

  • Đoàn TNCS Hồ Chí Minh PC Hải Dương với phong trào tình nguyện

  • 54 năm thành lập Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương

  • Họp trực tuyến về tình hình cung cấp điện EVNNPC

  • Hội nghị Tổng kết công tác SXKD năm 2022 và mục tiêu kễ hoạch, nhiệm vụ năm 2023

  • Hội nghị Tổng kết công tác QLKT-AT-VSLĐ năm 2022 và mục tiêu năm 2023

  • PC Hải Dương áp dụng công nghệ số vào quản lý vận hành lưới điện tại TT điều khiển xa Hải Dương

  • PC Hải Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh

  • Hội nghị Tổng kết công tác QLKT-AT-VSLĐ năm 2021 và mục tiêu năm 2022

  • HỘI THAO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN BẮC NĂM 2022

  • Đảm bảo cấp điện SeaGame 31