Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo quy định tại Luật Điện lực, khi có nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền điện thì các khách hàng sử dụng điện có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện trực tiếp bán điện cho khách hàng.
Khách hàng thắc mắc về tiền điện có thể kiến nghị
Chia sẻ về câu chuyện tiền điện tại buổi tọa đàm "Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường" vừa diễn ra tại Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong trường hợp khách hàng có thắc mắc về hóa đơn tiền điện nhưng không thỏa mãn với giải thích của các Công ty điện lực, khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương. Và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng sử dụng điện và người dân, Sở Công Thương phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời cho khách hàng sử dụng điện.
“Như vậy, với quy định của Luật Điện lực hiện nay, chúng ta đã có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện cũng như các thiết bị đo đếm điện, công tơ điện cho khách hàng”, ông Anh Tuấn cho biết.
Liên quan đến câu chuyện công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, ông Anh Tuấn cho biết, đây là một trong những chủ trương lớn của Bộ Công Thương. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ công tác công khai, minh bạch về giá điện.
Theo đó, năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2013, sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành họp báo công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngoài ra, trong đợt tăng giá điện trong tháng 3/2015, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, triển khai đến tất cả các trung tâm dịch vụ khách hàng niêm yết công khai biểu giá bán lẻ điện và đối với các cán bộ, nhân viên trực tiếp thu tiền điện, có hướng dẫn cho khách hàng cách tính toán theo hướng dẫn giá điện theo quy định mới.
Thị trường điện đang được triển khai tốt
Hiện nay, việc xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh được xem là một trong những chiến lược dài hạn của ngành điện lực Việt Nam. Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về lộ trình phát triển điện tại Việt Nam, thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ thứ nhất là từ năm 2012 đến năm 2015, sẽ triển khai thị trường phát điện cạnh tranh. Từ năm 2016 đến năm 2021 sẽ thực hiện Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và từ năm 2021 sẽ triển khai Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Với lộ trình kế hoạch triển khai như trên, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu trong ASEAN về phát triển thị trường điện. “Qua thực tế thì hiện nay chúng ta đang là nước thứ 3 sau Singapore và Philippin đã triển khai thành công thị trường điện. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo đúng lộ trình do Chính phủ đã quy định”, ông Anh Tuấn khẳng định.
Liên quan đến câu chuyện phát triển thị trường điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, khi triển khai thị trường điện Tập đoàn phải nghiên cứu rất kỹ để có từng bước áp dụng cho phù hợp. Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện tại nước ta theo 3 cấp độ, nhằm mục đích để trong quá trình thực hiện có thể rút ra những kinh nghiệm và hiệu chỉnh những gì chưa hợp lý. Đó là những việc làm rất cần thiết để xây dựng, phát triển thị trường điện, đi từng bước một cách thận trọng và có đánh giá ở từng bước.
Toàn bộ tọa đàm "Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường" vừa diễn ra tại Bộ Công Thương độc giả có thể tham khảo tại địa chỉ: http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/5478/dieu-hanh-gia-dien-theo-co-che-thi-truong.aspx