Tin ngành điện

Nhọc nhằn công nhân điện cao thế

Bất kể đêm ngày, nắng mưa hay bão tố, những người quản lý, vận hành lưới điện 110 kV luôn phải căng mình để đảm bảo cho “mạch máu” của quốc gia được an toàn, thông suốt.

Các kỹ thuật viên chi nhánh điện Bến Tre đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc nâng cấp trạm biến áp Mỏ Cày. Ảnh: Đại Dương

Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời

“Nghề của chúng tôi là ăn cơm dưới đất nhưng làm chuyện trên trời”- anh Phan Quan Tút - đội phó đội quản lý đường dây, chi nhánh Điện cao thế Bình Dương dí dỏm nhận xét. Anh Tút cho biết, chi nhánh điện cao thế Bình Dương quản lý, vận hành 15 trạm biến áp và 36 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 320 km. Trong khi đó, cả chi nhánh chỉ có 13 người thực hiện nhiệm vụ quản lý đường dây. “Hằng ngày, anh em chúng tôi phải chia nhau đi kiểm tra, giám sát các tuyến đường dây, nếu phát hiện những nguy cơ gây ảnh hưởng an toàn đường dây là tiến hành xử lý ngay”- anh Tút chia sẻ. Anh cũng cho biết, có cả trăm km đường dây đi qua rừng cao su và đồi núi, sông suối, trong khi phải đi kiểm tra suốt tuyến và kiểm tra từng trụ nên việc đi lại gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Vì đi qua rừng cao su nên nguy cơ cành, ngọn cây cao su gẫy, ngã đổ gây sự cố đường dây điện là rất cao, nhất là vào mùa mưa bão. Các anh thường xuyên phải leo trèo chặt tỉa cành cây ngã đổ vào hành lang an toàn, đo độ võng của đường dây. Vào mùa mưa, cành lá cây phát triển nhanh, chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là những cành cây hôm qua vẫn còn thẳng đứng thì hôm nay đã nghiêng ngả vào hành lang an toàn nên liên tục phải đi kiểm tra và chặt tỉa. “Nhưng không phải lúc nào người dân cũng hiểu và ủng hộ việc làm của chúng tôi. Và mỗi khi gặp trường hợp như vậy, chúng tôi phải kiên trì vận động, thuyết phục các chủ vườn cao su cho chặt, tỉa cành, có khi cả tuần mới thuyết phục được”- anh Tút nói.   

Cũng theo anh Tút, tại các khu dân cư, tình trạng xây dựng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, anh em đội đường dây luôn phải kiểm tra, vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác để bảo vệ đường dây và cũng là bảo vệ sự an toàn cho chính mình. Có không ít trường hợp phải nhờ đến sự ra tay của chính quyền địa phương mới giải quyết được.

Anh Tút tâm sự: “Yêu cầu công việc của chúng tôi là bất kể đêm hay ngày, mưa hay bão… khi nào và ở đâu đường dây gặp sự cố là phải lao đến nơi để khắc phục”. Có nhiều trường hợp anh em trong đội đã phải đội mưa bão, thức suốt đêm để khắc phục. Nguyễn Sỹ Nguyên, một thành viên của đội quản lý đường dây nhớ lại, vào một buổi chiều mùa mưa 2012, một trận lốc xoáy làm cây cối ngã đổ hàng loạt, đè cả lên đường dây 110 kV Trị An-Phú Giáo, gây mất điện trên diện rộng. Anh em chúng tôi phải lập tức lao đến nơi và huy động mọi người cùng nhau dọn dẹp cây cối ngã đổ, leo trèo lên cao căng lại dây… làm từ 5 giờ chiều hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau mới xong. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong đời những người thợ quản lý đường dây.

Luôn gấp rút

Đến trạm biến áp 110 kV Mỏ Cày (Bến Tre) vào một ngày cuối tuần, khi cả chi nhánh điện cao thế Bến Tre (Công ty Lưới điện cao thế miền Nam) đang hối hả lắp đặt máy biến áp 40 MVA để nâng công suất trạm này lên 65 MVA. “Trạm đã quá tải, chúng tôi phải nhanh chóng đầu tư nâng công suất mới đủ để đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh của địa phương”- anh Nguyễn Văn Hoàng - Phó giám đốc Chi nhánh điện cao thế Bến Tre nói. Anh Hoàng cho biết, công việc lắp đặt máy biến áp bắt đầu từ 0 giờ ngày 4/12. Chi nhánh phải huy động toàn bộ lực lượng kỹ thuật để tham gia làm ngày lẫn đêm để kịp đóng điện vào lúc 13 giờ ngày 6/12. Anh Hoàng cho biết, hiện chi nhánh quản lý 157 km đường dây 110 kV và 6 trạm biến áp 110 kV. Do nhu cầu phụ tải của tỉnh Bến Tre gần đây tăng nhanh, công ty liên tục đầu tư phát triển hệ thống lưới và trạm. Từ nay đến cuối năm 2014, chi nhánh lại phải khẩn trương đưa thêm một trạm biến áp 110 kV mới xây dựng vào hoạt động để kịp thời đáp ứng nhu cầu của địa phương.
 
Đội quản lý đường dây chi nhánh điện cao thế Bình Dương đang kiểm tra đường dây 110 kV Lai Uyên-Chơn Thành. Ảnh: Đại Dương

Hệ thống lưới điện cao thế được xem như “mạch máu” của cả nền kinh tế và việc đảm bảo an toàn, hoạt động xuyên suốt của mạch máu ấy là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, theo anh Nguyễn Văn Hoàng, trong bất kỳ tình huống nào, dù là nâng cấp, sửa chữa hay khắc phục sự cố…cũng phải hết sức khẩn trương, gấp rút để cấp điện trở lại trong một thời gian ngắn nhất có thể, bởi mỗi phút chậm trễ là một phút thiệt hại cho cả xã hội.   

Việc đầu tư để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội cũng là vấn đề luôn cấp bách. Anh Trần Minh Dương - Phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Nam (Tổng công ty Điện lực miền Nam) cho biết, nhu cầu phụ tải ở khu vực phía Nam tăng rất nhanh nên ngành điện liên tục phải đầu tư phát triển lưới và trạm 110 kV. Có tỉnh, năm 2000 chỉ có 2 trạm kV110 kV, đến nay đã nâng lên 10 trạm.

Hiện công ty quản lý hệ thống lưới điện 110 kV trên địa bàn 20 tỉnh thành phía Nam, trong đó có 4.000 km đường dây 110 kV và 141 trạm biến áp 110 kV. Mỗi năm hệ thống lưới điện này truyền tải 40 tỷ kWh điện. Mặc dù vậy, ngành điện vẫn luôn chú trọng đầu tư phát triển hệ thống lưới điện này để đảm bảo cho nhu cầu phụ tải trong khu vực tăng bình quân trên 10%/năm. Theo anh Dương, nếu không kịp thời đầu tư, không những không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội mà hệ thống lưới điện luôn hoạt động quá tải sẽ gây mất an toàn, độ tin cậy cho việc cung cấp điện, ngoài ra còn khiến thiết bị nhanh chóng, hư hỏng, xuống cấp.

Gắn bó một đời

Giữa năm 2015 tới đây là anh Tút đúng 60 tuổi và nghỉ hưu theo chế độ. Anh Tút cho biết anh học nghề điện từ năm 16 tuổi và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Suốt một chặng đường gần 40 năm công tác, kỷ niệm vui buồn với nghề đường dây nhiều không sao kể siết. “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mỗi khi xây dựng xong một công trình hay kịp thời khắc phục xong một sự cố lưới điện”- anh Tút chia sẻ với nụ cười sảng khoái.

Tuy vất vả, thu nhập khiêm tốn nhưng những người làm công tác quản lý, vận hành đường dây luôn gắn bó, tận tâm tận lực với nghề. Gần cả một đời gắn bó với ngành điện, anh Trần Minh Dương - Phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Nam đã lăn lộn, miệt mài với công việc. Từ thực tế công việc, anh có không ít sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại không ít lợi ích cho ngành và đơn vị nơi anh công tác. Và anh cũng là một trong số ít người được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng vì những cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong công việc. Anh Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Văn Hoàng (Giám đốc và Phó GĐ chi nhánh điện cao thế Bến Tre), anh Trương Quang Binh- Giám đốc chi nhánh điện cao thế Bình Dương,... và hàng trăm, kỹ sư, công nhân khác cũng đã có thâm niên gắn bó với việc vận hành, quản lý lưới điện cao thế từ vài, ba chục năm trở lên. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều tìm được niềm vui hạnh phúc trong công việc vốn có quá nhiều gian nan, nhọc nhằn.

Tác giả: Theo icon.com.vn ; xuất bản: 17/12/2014 02:19
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét
  • Tổ Xung kích số 2 tham gia hỗ trợ thi công ĐZ 500kV mạch 3

  • Đội xung kích PC Hải Dương hỗ trợ Vị trí 66 tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định

  • Đoàn TNCS Hồ Chí Minh PC Hải Dương với phong trào tình nguyện

  • 54 năm thành lập Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương

  • Họp trực tuyến về tình hình cung cấp điện EVNNPC

  • Hội nghị Tổng kết công tác SXKD năm 2022 và mục tiêu kễ hoạch, nhiệm vụ năm 2023

  • Hội nghị Tổng kết công tác QLKT-AT-VSLĐ năm 2022 và mục tiêu năm 2023

  • PC Hải Dương áp dụng công nghệ số vào quản lý vận hành lưới điện tại TT điều khiển xa Hải Dương

  • PC Hải Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh

  • Hội nghị Tổng kết công tác QLKT-AT-VSLĐ năm 2021 và mục tiêu năm 2022

  • HỘI THAO CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN BẮC NĂM 2022

  • Đảm bảo cấp điện SeaGame 31