|
Hệ thống đường điện ở khu tái định cư thuộc xã Tứ Xuyên - huyện Tứ Kỳ được xây dựng theo quy hoạch
|
Điện lực Tứ Kỳ hiện được giao quản lý 128 km đường dây cao áp và 381 km đường dây hạ áp. Những năm gần đây, mặc dù các cấp chính quyền và Điện lực huyện thường xuyên quan tâm công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ), song do sự hiểu biết về các nguyên tắc sử dụng điện an toàn của nhiều người dân còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ diễn ra tràn lan và có chiều hướng gia tăng. Việc xử lý những trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Theo tổng hợp của Điện lực Tứ Kỳ, toàn huyện hiện có hàng trăm điểm vi phạm hành lang ATLĐ, trong đó có 331 trường hợp vi phạm hành lang đường dây cao áp (tăng 21 trường hợp so với năm ngoái), trong số này có 22 trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Các xã có nhiều vi phạm hành lang ATLĐ là: Ngọc Sơn (85 trường hợp), Tiên Động (50 trường hợp), Kỳ Sơn (35 trường hợp)… Vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà cửa, các công trình kiến trúc, dựng cột ăng-ten, trồng cây xanh... trong hành lang ATLĐ, dẫn đến nguy cơ cháy nổ, chập điện, tai nạn về điện. Anh Nguyễn Văn Hưởng, kỹ thuật viên Điện lực Tứ Kỳ cho biết: "Có rất nhiều gia đình xây nhà, trồng cây chỉ cách đường dây dẫn điện chừng 0,5m, trong khi theo quy định phải là 3m. Do hệ thống đường dây điện chủ yếu là dây trần, xuống cấp nên mỗi khi mưa lớn hoặc giông bão thường xảy ra chập điện, mất điện liên tục. Anh em rất vất vả để khắc phục những sự cố này".
Theo quy định, ngành điện lực có trách nhiệm kiểm tra và giải phóng vi phạm hành lang tuyến đường dây định kỳ. Tuy nhiên, việc làm này không đơn giản do gặp phải sự chống đối, cản trở của các chủ vi phạm. Trước đây việc xây dựng hệ thống đường dây thường không theo quy hoạch; khi chính quyền cấp đất không để ý đến giới hạn an toàn hành lang lưới điện, dẫn đến việc người dân "tỳ" vào lý do đó không chịu di dời, tháo dỡ vi phạm. Trong trường hợp cây đổ vào đường dây gây hư hại lưới điện thì không biết quy trách nhiệm cho ai. Ngành điện phải tốn kém đầu tư sửa chữa, nâng cao hoặc di chuyển đường dây ra chỗ an toàn.
Hằng năm, các trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ đều bị Điện lực Tứ Kỳ lập biên bản, kiến nghị Hội đồng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực của huyện cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý, nhưng đến nay hầu hết đều chưa có kết quả. Giám đốc Điện lực Tứ Kỳ Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Theo quy định thì tất cả những trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ đều phải di dời, giải tỏa để bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện và bảo vệ tài sản. Nhưng thời gian qua, công tác xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm gặp không ít khó khăn, nhất là ở cấp xã. Do ngành điện chỉ được phép lập biên bản vi phạm, còn chức năng xử lý, giải quyết thuộc về đơn vị quản lý nhà nước. Hầu hết các trường hợp ngành điện đã lập biên bản đều vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.
Trước thực trạng trên, để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, huyện Tứ Kỳ đang tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ trên địa bàn. UBND huyện chỉ đạo Hội đồng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, Điện lực huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang ATLĐ, các nguyên tắc an toàn trong sử dụng điện. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ quy định về an toàn hành lang lưới điện, quyết định của UBND tỉnh quy định một số biện pháp bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Điện lực huyện rà soát kỹ lưỡng, xác định thời gian xây dựng các công trình vi phạm hành lang ATLĐ, tham mưu giúp UBND các xã, thị trấn xử lý theo thẩm quyền… Rất nhiều biện pháp cụ thể được đề ra, tuy nhiên khó đem lại một kết quả tích cực nếu như các cấp chính quyền và các ngành chức năng ở Tứ Kỳ không thực sự kiên quyết trong xử lý vi phạm hành lang ATLĐ.