27/10/2021 05:11
Trong tập tài liệu gửi 30.000 công ty, chính phủ Thụy Sĩ cảnh báo các công ty ở nước này có thể được lệnh giảm mức tiêu thụ điện theo một tỷ lệ cụ thể trong trường hợp thiếu điện.
Tuần báo NZZ am Sonntag ngày 17/10 đưa tin Thụy Sĩ đã yêu cầu các công ty trong nước cần phải ứng phó với tình trạng thiếu điện trước khả năng nước này có thể phải đối mặt với nguy cơ không đảm bảo đủ nguồn cung điện trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là vào mùa đông.
Trong tập tài liệu gửi 30.000 công ty, chính phủ cảnh báo các công ty Thụy Sĩ có thể được lệnh giảm mức tiêu thụ điện theo một tỷ lệ cụ thể trong trường hợp thiếu điện.
Trong trường hợp không có thỏa thuận về điện với Liên minh châu Âu (EU), kịch bản như vậy có thể xảy ra nếu các nhà máy điện lớn bị trục trặc ở Thụy Sĩ hoặc nước ngoài.
Biện pháp đầu tiên mà Chính phủ Thụy Sĩ sẽ thực hiện để đối phó với tình trạng này là thúc giục người dân giảm mức tiêu thụ điện. Thứ hai sẽ là cấm hoạt động của bể bơi, hệ thống điều hòa không khí và thang cuốn. Chỉ trong bước thứ ba, hạn ngạch điện sẽ được áp dụng cho nền kinh tế.
Tài liệu này kêu gọi các công ty tìm cách tiết kiệm điện. Ngoài đại dịch COVID-19, kịch bản thiếu điện là mối đe dọa lớn đối với an ninh nguồn cung ở Thụy Sĩ.
Một sự cố mất điện có thể gây ra thiệt hại lên tới 4 tỷ CHF (4,3 tỷ USD) mỗi ngày, tờ báo trích dẫn số liệu của chính phủ.
"Thiếu điện, bên cạnh đại dịch, là mối đe dọa lớn nhất đối với nguồn cung của Thụy Sĩ," Bộ trưởng Bộ Kinh tế Guy Parmelin cho biết trong một video đăng trên trang web của Tổ chức Cung cấp điện trong các tình huống bất thường (Ostral).
Ông Parmelin giải thích tình trạng thiếu điện kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng có nghĩa là "các nhà máy có thể sản xuất ít hơn, các cơ quan công quyền và các công ty dịch vụ như ngân hàng sẽ phải giảm các dịch vụ của họ và các phương tiện giao thông phụ thuộc vào điện, chẳng hạn như tàu hỏa hoặc xe điện, chỉ có thể hoạt động ở một mức độ hạn chế."
Theo các chuyên gia, Thụy Sĩ có nguy cơ gặp phải vấn đề đáng kể trong việc đảm bảo nguồn điện trong ngắn hạn và trung hạn trong bối cảnh thỏa thuận với EU không có tiến triển.
Một thỏa thuận điện với EU đã được giữ từ năm 2018. Vào cuối tháng Năm vừa qua, chính phủ đã đơn phương từ bỏ các cuộc đàm phán với EU về một thỏa thuận khung thể chế, điều cũng làm tổn hại thêm cơ hội của một thỏa thuận điện.
Vào tháng Sáu, Ủy ban Điện lực Liên bang đã khơi lại những lo ngại về khả năng của Thụy Sĩ trong việc đảm bảo đủ nguồn cung cấp điện trong những năm tới. Hơn 40 đường dây điện kết nối lưới điện truyền tải của Thụy Sĩ và châu Âu đều xuyên biên giới.
Báo cáo an ninh nguồn cung được trình lên chính phủ đã xem xét hậu quả của ba kịch bản: từ bỏ hoàn toàn hợp tác với EU, đạt ít nhất các thỏa thuận kỹ thuật với các nước láng giềng và thực hiện một thỏa thuận điện với EU.
Trong trường hợp xấu nhất (không hợp tác), tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng chậm nhất vào tháng Ba. Nhu cầu điện sinh hoạt khi đó không còn được đảm bảo trong 47 giờ. Theo một giả định cực đoan, nguồn cung cấp có thể bị gián đoạn tới 500 giờ.
Hợp tác kỹ thuật với các đơn vị vận hành lưới điện truyền tải có nghĩa là tình huống căng thẳng đã xác định “chắc chắn có thể được quản lý," báo cáo cho biết về kịch bản thứ hai. Tuy nhiên, lựa chọn an toàn nhất sẽ là một thỏa thuận điện với EU. Thỏa thuận này sẽ coi Thụy Sĩ là một quốc gia thành viên của EU trong thị trường nội bộ của EU.
Link gốc.