Tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động. Vậy trước tiên chúng ta cần hiểu khái niệm Pháp luật, và Chuẩn mực đạo đức là gì?
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của nhà nước, và qua đó điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật nhà nước quy định những giới hạn mà mọi người chỉ có thể tự do trong khuôn khổ cho phép, vượt ra khỏi phạm vi, giới hạn đó là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ thực hiện hành vi mà người vi phạm có thể phải trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự.
Đạo đức nghề nghiệp là những chuẩn mực, phẩm chất và nguyên tắc mỗi CBCNV cần tuân thủ. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi tuân thủ các nguyên tắc đạo đức như trung thực, trách nhiệm, sự tôn trọng, công bằng và đồng cảm. Đạo đức nghề nghiệp cũng đưa ra quy định những người làm việc cần thể hiện sự chuyên nghiệp, tôn trọng đối tác, khách hàng, đồng nghiệp, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến nghề nghiệp của mình, không lợi dụng quyền hạn cá nhân để gây hại cho người khác hoặc lợi ích của tổ chức. Đạo đức nghề nghiệp còn bao gồm việc phát triển các kỹ năng đạo đức, như giải quyết mâu thuẫn đạo đức, đưa ra quyết định đạo đức và khắc phục hậu quả đạo đức trong quá trình làm việc. Toàn bộ những quy định, chuẩn mực đạo đức nơi công sở đều hướng đến kết quả cuối cùng là giúp công ty phát triển tốt hơn, vững mạnh hơn.
BỘ QUI TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA EVN
Điều 1. Tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp
1. Tuân thủ pháp luật và các quy định của EVN
a) Tuân thủ, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Không bao che và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời thông báo cho cấp có thẩm quyền các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật.
c) Nghiêm cấm mọi hành vi đưa hoặc nhận hối lộ khi giải quyết công việc.
d) Tuân thủ các quy định trong Nội quy lao động và các quy chế quản lý nội bộ của EVN.
2. Tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp
a) Nghiêm túc thực thi các giá trị chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của EVN.
b) Trung thực trong mọi lời nói, việc làm; đấu tranh với mọi thói hư, tật xấu.
c) Giữ gìn, bảo vệ uy tín của EVN, không có những hành động trục lợi cá nhân trong công việc.
3. Tránh xung đột lợi ích
a) Không thực hiện các hoạt động có thể gây xung đột lợi ích với EVN theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ được phép sử dụng tài sản, thông tin, dữ liệu, thời gian làm việc để phục vụ công việc của EVN, không sử dụng cho các lợi ích cá nhân.