Thả diều là một thú chơi không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả người lớn. Thế nhưng, những năm gần đây, thú chơi này là nguyên nhân gây ra không ít sự cố và các vụ tai nạn về điện.
|
Công nhân Điện lực Gia Lộc xử lý diều mắc vào đường điện |
Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Nam Trung (Nam Sách) kể: "Vào lúc 20 giờ ngày 15-5-2016, xóm 4 và 5 thôn Mạn Đê đột nhiên bị mất điện. Sau khi kiểm tra, cán bộ xã phát hiện có 1 chiếc diều bay vào gây cháy nổ trạm biến áp Nam Trung 2. UBND xã Nam Trung nhanh chóng thông báo cho Điện lực Nam Sách xuống xử lý sự cố. Qua sử dụng thiết bị đo đếm, nhân viên ngành điện phát hiện ra dây diều bị nhiễm điện. Điện lực Nam Sách phải ngắt điện, gỡ bộ phận còn lại của con diều và khắc phục những hư hỏng". Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, đây chỉ là một trong số các sự cố về điện do thả diều gây ra từ đầu năm đến nay. Trong đó, 5 vụ ở huyện Gia Lộc, 2 vụ trên đường dây 110 kV do Xí nghiệp Điện cao thế quản lý, các huyện Thanh Miện, Nam Sách, Kinh Môn và thị xã Chí Linh mỗi nơi 1 vụ.
Khi diều mắc vào đường dây điện thì rất nguy hiểm bởi nhiều người, nhất là trẻ nhỏ thấy diều bay vào đường dây điện hoặc trạm biến áp đều tìm cách lấy ra. Ở những nơi dây điện thấp có người còn lấy cả que, gậy đập cho diều rơi xuống. Ông Đặng Thế Linh, Phó Giám đốc Điện lực Nam Sách cho biết: "Rất may vụ diều rơi vào trạm biến áp trên địa bàn xã Nam Trung xảy ra vào buổi tối, lực lượng công an xã phát hiện nhanh, kịp thời bảo vệ hiện trường chứ ai vào mà lấy diều chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn".
Chơi diều gần đường dây điện hoặc trạm biến áp không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm với người thả mà còn gây thiệt hại cho ngành điện. Mỗi khi xảy ra sự cố, ngành điện phải huy động nhiều cán bộ, công nhân của đơn vị rà soát để tìm nguyên nhân. Sự cố xảy ra ban ngày thì việc tìm kiếm, xử lý còn dễ dàng, nếu xảy ra ban đêm thì việc tìm kiếm sẽ mất nhiều công sức và thời gian. Có những con diều mắc ở giữa 2 đoạn cột phải huy động thêm cả xe chuyên dụng. Ở những nơi địa hình phức tạp, việc xử lý càng mất nhiều thời gian hơn. Do đó, khi sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù số vụ diều bay vào đường dây điện gây ra khá nhiều sự cố nhưng ngành điện lại không xử lý được vụ việc nào. Ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý điện (Sở Công thương) cho biết: "Các con diều được thả ở độ cao hàng chục mét nên khi bị đứt dây có thể bay xa vài trăm mét. Có những người bỏ diều luôn hoặc phát hiện ra sự cố gây thiệt hại, họ sợ phải chịu trách nhiệm nên không dám nhận. Vì thế rất khó để bắt tận tay, day tận mặt đối tượng".
Hiện nay, diều không chỉ được làm bằng khung tre mà còn được làm bằng khung nhôm và sử dụng dây dù để thả. Có nơi người dân còn thả diều qua đêm, vì thế sương ngấm vào dây làm cho dây diều có khả năng dẫn điện. Để đề phòng nguy hiểm do thú chơi này gây ra, có những địa phương trong tỉnh đã ra văn bản cấm thả diều. Ông Nguyễn Văn Bền cho biết: "Xã đã có văn bản yêu cầu người dân không được thả diều và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, đồng thời giao cho công an tổ chức kiểm tra, giám sát việc thả diều trên địa bàn. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, xã không chỉ thu diều mà sẽ có biện pháp xử lý phù hợp". Hằng năm, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đều có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên thả diều, nhất là dưới đường điện cao áp.
Những người chơi diều có kinh nghiệm lại tự "bỏ túi" nhiều bí quyết để chơi mà vẫn bảo đảm an toàn. Anh Nguyễn Thế Hải, phường Tân Bình (TP Hải Dương) chia sẻ kinh nghiệm thả diều để không bị mắc vào dây điện: "Không nên thả diều quá cao, chỉ tầm 40-50 m để khi diều bị đứt dây thì cũng không thể bay xa được. Nên chọn những nơi thông thoáng, ít đường dây điện, chơi những con diều nhẹ, nhỏ và không nên thả diều qua đêm. Người thả phải luôn có mặt để kiểm soát con diều". Khi có sự cố xảy ra, người dân phải báo ngay cho ngành điện để có biện pháp xử lý kịp thời, không nên tự ý trèo lên để lấy diều.
Trước đây đường dây điện còn ít nên người dân có thể tự do chơi diều mà không lo bị vướng vào đường điện. Còn hiện nay, đất đai ngày càng bị thu hẹp, ngoài dây điện còn có cả dây của các mạng viễn thông, truyền hình cáp. Để hạn chế tai nạn do thả diều gây ra, các địa phương cần tuyên truyền vận động người dân hạn chế thả diều, nhất là không thả nơi có đường điện hoặc gần các trạm biến áp.